Sở tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có 14 chương, gồm 206 điều. Qua nghiên cứu, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến mang tính lý luận và thực tiễn cao, tập trung vào các vấn đề như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và quyền, nghĩa vụ của tổ chức sử dụng đất.
Đóng góp về điều khoản “Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” các đại biểu cho rằng, cần phải chi quy hoạch ra ở cả 3 cấp là thành phố, tỉnh, huyện, xã để đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch.
Bên cạnh đó nhiều đại biểu còn đóng góp về nội dung mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra lấy ý kiến nhân dân đề xuất 2 phương án cho việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Phương án 1 yêu cầu các giao dịch về quyền sử dụng đất phải được công chứng. Phương án 2 không bắt buộc công chứng, chứng thực mà để thực hiện theo nhu cầu của các bên. Phần lớn các đại biểu đều thống nhất với phương án 1 để đảm bảo đúng nguyên tắc quản lý nhà nước đồng thời tạo tính minh bạch, tránh việc kiện tục giữa các bên giao dịch có thể xảy ra khi không có sự quản lý của nhà nước. Có đại biểu cho rằng cần phải tách điều 15 “Nhà nước quyết định thu hồi đất” thành 2 nội dung là lợi ích kinh tế và công cộng tạo ra sự công khai minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh nhầm lẫn giữa thu hồi đất vì lợi ích kinh tế, kinh doanh và công cộng. Có ý kiến cho rằng gộp hai điều Điều 3 Giải thích từ ngữ với Điều 5 Người sử dụng đất để cho dự thảo dễ hiểu, ngắn ngọn.
Trong khoản 4 điều 53 cần bỏ cụm từ “Cộng đồng dân cư” vì khi xác định như vậy có thể khó xác định chủ thể để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tài sản trên đất, khi xảy ra khiếu nại, tố cáo thì khó khăn trong việc thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ phần quy định Nhà nước thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế tại Điều 15, chương II của Dự thảo sửa đổi Luật đất đai quy định: Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thu hồi đất do vi phạm luật đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Tuy nhiên lợi ích công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng nếu quy định Nhà nước thu hồi đất ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất dễ bị lợi dụng cần bỏ ý các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nội dung thu hồi đất.